Chúng tôi xin hướng dẫn các em kiến thức bài Chữ Người Tử Tù qua việc Phân tích Chữ Người Tử Tù của nhà văn Nguyễn Tuân.
PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ
Phần I. Phân tích mở bài Chữ Người Tử Tù
I. TÌM HIỂU CHUNG BÀI CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ
- 1. Tác giả Nguyễn Tuân
* Cuộc đời:
- Nguyễn Tuân (1910 – 1987) sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn.
- Ông học đến bậc Thành Chung, thường viết văn làm báo.
- Ông từng tham gia cách mạng và dùng ngòi bút để phục vụ hai cuộc kháng chiến.
- Ông từng là tổng thư kí Hội văn nghệ Việt Nam.
* Phong cách sáng tác:
- Ông là người tài hoa, tài tử, uyên bác, độc đáo.
- Tác phẩm của Nguyễn Tuân là những trang văn đích thực thể hiện tấm lòng gắn bó thiết tha với những giá trị văn hóa cổ truyền, nếp sống thanh cao, đầy nghệ thuật của cha ông.
- Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, có đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại, nhất là tùy bút, bút kí.
- Năm 1996, Nguyễn Tuân được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật
- Một số tác phẩm chính: Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Người lái đò sông Đà…
* Nhận định về Nguyễn Tuân:
- “Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa” (Nguyễn Ðăng Mạnh).
- “Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời đi tìm kiếm cái thực và cái đẹp. Thực ra, sự thực và cái đẹp của cuộc sống là hai cái đích mà dường như bất kì ngòi bút chân chính nào cũng hướng tới nhưng không dễ chiếm lĩnh và chạm vào được. Nguyễn Tuân cũng trên hành trình tìm kiếm nhưng tác phẩm của ông đã chạm được đến cái đẹp, nhất là cái đẹp truyền thống và cái thực phồn hoa chốn thành thị. Nguyễn Tuân là người thưởng thức cái đẹp với tư cách người có văn hóa, có vốn tri thức, biết giá trị của đối tượng mình chiêm ngưỡng.” (Nguyễn Đình Thi)
- 2. Tác phẩm Chữ Người Tử Tù
- a. Hoàn cảnh sáng tác:
- “Chữ người tử tù” in trong tập “Vang bóng một thời” (1940), là tác phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét là “một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ.”
- b. Tóm tắt truyện:
“Chữ người tử tù” kể về nhân vật Huấn Cao là một anh hùng văn võ song toàn. Ông vừa có tài viết thư pháp vừa có tài bẻ khóa, vượt ngục. Nhận được phiến trát về sáu tên tử tù bị án chém, trong đó có Huấn Cao, viên quản ngục vì muốn có chữ đẹp đã biệt đãi và trân trọng ông. Huấn Cao đã chấp nhận cho chữ và khuyên thầy sống thiên lương.
Xem thêm: Gia sư Văn học
- 3. Sơ đồ tóm tắt bài chữ người tử tù
Phần II. Hướng dẫn phân tích thân bài Chữ Người Tử Tù
II. ĐỌC - HIỂU BÀI CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ
- 1. Tình huống truyện:
* Tình huống truyện: Tình huống truyện còn được hiểu là mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh và môi trường sống. Qua đó, nhân vật bộc lộ rõ tâm trạng, tính cách hay thân phận, góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác phẩm.
* Tình huống truyện “Chữ người tử tù”:
- Bình diện xã hội:
+ Huấn Cao: Một tên đại nghịch, cầm đầu nổi loạn, nay bị bắt giam, đang chờ ngày ra pháp trường chịu tội.
+ Viên quản ngục: Một kẻ đại diện cho cái trật tự xã hội đương thời.
- Bình diện nghệ thuật:
+ Huấn Cao: Huấn Cao là người sáng tạo ra cái đẹp.
+ Viên quản ngục: Viên quản ngục là người thưởng thức cái đẹp.
=> Chính tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục, đồng thời cũng thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.
- 2. Huấn Cao – chân dung người nghệ sĩ, anh hùng.
- a. Huấn Cao là một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp:
- Nghệ thuật viết thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp. Đây là một môn nghệ thuật truyền thống rất độc đáo. Nó đòi hỏi ở những người tham gia có những phẩm chất đặc biệt:
+ Tay bút tài hoa điêu luyện.
+ Trình độ uyên bác, học vấn uyên thâm.
+ Đòi hỏi tính sáng tạo.
+ Tâm trong sáng, cốt cách thanh cao, đáng kính.
- Tài viết chữ “nhanh mà đẹp” của Huấn Cao hầu như không được miêu tả trực tiếp mà được miêu tả gián tiếp qua “những tiếng đồn”, lời khen, qua các cuộc trò chuyện của các nhân vật viên quản ngục và thầy thơ lại: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, danh tiếng vang khắp một vùng.
- Nét chữ nết người: “nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời người.”
- Viên quản ngục luôn ca ngợi và ao ước suốt một đời “có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết” bởi chữ Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm… “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ Huấn Cao mà treo, là có một vật báu trên đời.”
- Với viên quản ngục được gặp Huấn Cao là một ân huệ lớn. Viên quản ngục bất chấp sự an nguy của bản thân, nhẫn nại, quyết tâm, dũng cảm để biệt đãi Huấn Cao.
- Tài năng của Huấn Cao không chỉ khiến người đời trầm trồ mà còn khiến cho “kẻ thù” – những người đối lập với ông về chính trị, địa vị, cũng phải nể phục.
=> Như vậy, bằng thủ pháp “vẽ mây nảy trăng”, Nguyễn Tuân đã tạo nên một vòng “hào quang” huyền thoại về nhân vật Huấn Cao, một người nghệ sĩ tài hoa, tài tử với tài năng thư pháp phi phàm.
- b. Huấn Cao là một người có khí phách hiên ngang, bất khuất.
- Hoàn cảnh: là một tên tử tù, nguy hiểm nhất.
- Hành động thực tế: cầm đầu đám phản nghịch chống lại triều đình.
- Tài năng: ngoài viết chữ tốt còn có tài bẻ khóa vượt ngục.
- Khi Huấn Cao bị giải vào nhà lao cùng 5 bạn tù, trước mặt lính áp giải vẫn bình thản, coi như chốn không người.
- Một lời đề nghị: “Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi” -> hành động “lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”, bất chấp những lời nói đùa có tính dọa nạt của tên lính áp giải…”
=> Chứng tỏ ông làm một con người tự do, ngông nghênh, kiêu bạc, đứng ngoài mọi thứ luật lệ, không nao núng, rung sợ trước cường quyền.
- Khi viên quản ngục biệt đãi, ông “vẫn thản nhiên nhận rượu và thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm.” Với đấng anh hùng này, có vẻ như bữa cơm tù với sự biệt đãi kia cũng chẳng khác mấy.
=> Đối với ông việc vào ngục cũng giống như một điểm dừng chân của con đại bàng lớn, ông chẳng để tâm đến chuyện áo cơm như những kẻ phàm phu tục tử thông thường.
- Khi quản ngục bước vào buồng giam, khúm núm hỏi ông có cần gì nữa không, ông lạnh lùng đáp: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.” Lời nói đầy kiêu ngạo và thách thức.
- Ông Huấn tưởng viên quản ngục nổi giận “một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo” nhưng “đến cái cảnh chết chém, ông chẳng còn sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này.” -> Hiện lên với tầm vóc sừng sững, uy nghi của người anh hùng (giống Từ Hải “Chọc trời khuấy nước mặc dầu – Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.)
=> Tóm lại: Trước cường quyền, ngay cả cái chết, Huấn Cao vẫn hiên ngang, bản lĩnh, đón nhận tin bị giải vào Kinh lĩnh án tử hình cũng thật nhẹ nhàng, thanh thản như hành trình đi vào cõi bất tử. Nguyễn Tuân đã lấy nguyên mẫu Cao Chu Thần (Cao Bá Quát) – một vị anh hùng sống thế kỉ 18 -> hình mẫu tiêu biểu đẹp đẽ của bậc hào kiệt dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân.
- c. Huấn Cao là một người có vẻ đẹp thiên lương, cao cả.
- Huấn Cao từng nói: “Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi.” => chứng tỏ ông là người coi thường tiền bạc, quyền lực, trọng nghĩa khí và cái đẹp, chỉ có chữ những người tri kỉ.
- Sau khi nghe câu chuyện của thầy thơ lại, nhận ra sở thích cao quý và tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục. Huấn Cao thay đổi thái độ; bày tỏ sự cảm động “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.” Huấn Cao vừa ân hận vì đã đối xử khinh ngạo với viên quản ngục, lại vừa rưng rưng niềm cảm động.
- Đoạn gần cuối truyện, Huấn Cao khuyên viên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi… Thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.”
à Lời trăng trối cuối cùng của Huấn Cao là lời khuyên chân thành; sự cảm hóa sâu sắc bằng trái tim thiên lương. Một người biết nâng niu, trân trọng những nhân cách sáng đẹp, “những tấm lòng trong thiên hạ.” Cảm hóa sâu sắc, làm bừng sáng thiên lương, cứu rỗi cuộc đời của viên quản ngục.
* Tổng kết nhân vật Huấn Cao: Ở Huấn Cao, từ cử chỉ, hành động đến ngôn ngữ, từ nét chữ đến phong thái… đều toát ra một vẻ đẹp vừa phi thường, vừa bình dị, vừa anh hùng, vừa nghệ sĩ, bên cạnh cái anh hùng có cái bi, tính vốn khoảnh mà lại trân trọng kẻ “biệt nhỡn liên tài”, coi thường vàng bạc quyền uy mà lại đề cao tình bằng hữu, đến chết vẫn nghĩa khí và giữ trọn thiên lương. Qua đó, người đọc thấy được tài năng của Nguyễn Tuân trong việc xây dựng nhân vật tài năng, phong cách, mang tầm vóc lịch sử.
- 3. Nhân vật viên quản ngục “một tấm lòng trong thiên hạ”:
- Là một kẻ coi ngục có sở thích cao quý.
- Bất chấp cả luật pháp, dám cả gan biệt đãi một kẻ tử tù -> mang cả tính mạng để đổi lấy cái đẹp.
- Không tự ái, không oán thù, chấp nhận làm theo trước lời khinh bạc của Huấn Cao.
- Hành động khúm núm, khép nép, nghiêng mình, kính cẩn trước cái đẹp.
- Phẩm chất tốt đẹp: “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.”
=> Nếu Huấn Cao là hình ảnh của những người có khả năng tạo ra cái đẹp thì viên quản ngục lại là biểu tượng của người biết thưởng thức và cảm nhận cái đẹp. Từ đó, tác giả muốn gửi gắm những triết lý, thông điệp sâu xa. “Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay vô tình.” Thậm chí, với những con người như quản ngục và thơ lại họ càng đáng quý, đáng trân trọng hơn bởi họ như loài hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
- 4. Cảnh cho chữ - xưa nay chưa từng có”:
- a. Không gian và thời gian diễn ra cảnh cho chữ:
- Địa điểm đặc biệt xưa nay chưa từng có: Thư pháp vốn là một thú chơi cao sang. Đáng lẽ, người nghệ sĩ thường sáng tạo trong những không gian đẹp, sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng cùng các phương tiện cần thiết. Nhưng thực tế, Huấn Cao lại cho chữ viên quản ngục ngay trong đề lao “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián”, bó đuốc tẩm dầu “khói tỏa như một đám cháy nhà”.
- Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, cái đẹp thư pháp lại được khai sinh từ một không gian ẩm thấp, tối tăm, bẩn thỉu, trên mảnh đất của bạo tàn, hủy hoại và cái chết như thế. -> Thiên lương cao cả lại càng tỏa sáng.
- Thời điểm diễn ra cảnh tượng thật kì lạ: Một đêm tối tăm, u ám như bao đêm khác. Đêm cuối cùng của một đời người, Huấn Cao sẽ ra pháp trường -> thời khắc ngắn ngủi và quí giá. Đáng lẽ ra, ông phải dành những phút lâm chung để nghĩ về những điều thiêng liêng nhất, để sống cho riêng mình. Nhưng Huấn Cao đã dành đêm cuối cùng của đời mình cho người khác, cho chữ những người “có tấm lòng trong thiên hạ.”
=> Chữ đã quý lại càng quý hơn bởi đó là quà tặng ý nghĩa của một người sắp từ giã cõi đời.
- b. Cảnh cho chữ còn là một tình huống đầy kịch tính:
- Ở đây diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ba con người ở hai giới tuyến.
- Về địa vị xã hội, chính trị, họ là kẻ thù của nhau, là những người “không đội trời chung”. Thế mà họ đã ngồi bên nhau, ba cái đầu chụm lại trong một thế giới đầy thân thiện, đầy tin yêu của những kẻ tri âm, tri kỉ.
=> Không có một ranh giới nào, không có quyền lực, không có tiền bạc, chỉ có sự lên ngôi của cái đẹp, thiên lương và tấm lòng tri âm.
- c. Những nhân vật trong cảnh cho chữ:
- Hình ảnh Huấn Cao được chạm khắc bằng những đường nét rực rỡ, uy nghi mà kì vĩ, phi thường: “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván.”
- Hình ảnh không kém phần xúc động: “viên quản ngục vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng” và hình ảnh “thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực.”
- “Tấm lụa trắng, mùi mực thơm, nhưng nét chữ vuông vắn, tươi tắn” hiện lên trên phiến lụa óng.
- Tất cả như tỏa sáng buồng giam ẩm thấp, hôi hám, tăm tối, chật hẹp. Tất cả dường như đều run rẩy hòa trong niềm rưng rưng cảm động của người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp và người được chứng kiến, chiêm ngưỡng giây phút cái đẹp sinh thành.
=> Cảnh tượng cho chữ đã thực sự trở thành “nhãn tự” của tác phẩm. Dồn nén trong đoạn văn này là những tình huống đầy kịch tính, là những xung đột cũng như sự hóa giải xung đột, là những phép đảo ngược, trái chiều…
Phần III. Kết bài Chữ Người Tử Tù
III. TỔNG KẾT
- 1. Nội dung:
- Tác giả xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa, khí phách, có thiên lương trong sáng.
- Qua đó khẳng định tình yêu đối với cái đẹp của tác giả.
- 2. Nghệ thuật:
- Nghệ thuật tả cảnh, tả người giàu chất tạo hình: hàng loạt các hình ảnh đối lập làm nổi bật các nhân vật chính.
- Sự thắng thế: ánh sáng >< bóng tối, cái đẹp >< cái xấu, cái thiện >< cái ác.
- Nhịp điệu câu văn chậm rãi, giàu sức truyền cảm.
- Tình huống truyện độc đáo.
- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, vừa trang nghiêm, vừa cổ kính, vừa hiện đại.
MỞ RỘNG: CÁC NỘI DUNG CÓ THỂ XEM THÊM
1. Hướng dẫn phân tích các bài Văn và Thơ cho kỳ thi THPT
1. 1 Các bài phân tích Văn
+ Hạnh phúc của một tang gia - Vũ Trọng Phụng
+ Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
+ Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
+ Ông già và biển cả của HÊ-MINH-UÊ
+ Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
+ Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
+ Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
+ Phân tích bài Hồn Trương Ba, da hàng thị - Lưu Quang Vũ
1. 2 Các bài phân tích Thơ
+ Phân tích bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng
+ Phân tích bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu
+ Phân tích bài thơ Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm
+ Phân tích bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh
2. Kênh tuyển sinh THPT Quốc Gia
- Lịch thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia năm 2023
- Cách tính điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia
- Khối C, tổ hợp của khối C, các ngành khối C, các trường ĐH có khối C
- Khối D, tổ hợp của khối D, các ngành khối D, các trường ĐH có khối D
- Đề thi minh họa môn Văn năm 2022
Gia Sư Thành Tài - đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung.